Thoạt nhìn, chiếc túi xách Louis Vuitton hơi sờn trông như hàng thật. Một người bình thường hoàn toàn có thể chi tiền mua chiếc túi này.

Thế nhưng, Peng Jingjing, người đã tham gia một khóa học phân biệt hàng giả, có linh cảm rằng đây là chiếc túi giả. Đeo găng tay trắng, dùng kính lúp nhìn kỹ vào chữ lồng “LV” trên túi, Peng cố nhớ lại những gì mình được học: Đường vải trên túi Louis Vuitton giả thường chạy song song với góc của chữ "L".

Vị khách 27 tuổi cũng miết tay để cảm nhận chữ V trên phần logo, nhíu mày quan sát chất liệu, đường may. "Tôi vẫn không nhìn ra được gì", Peng nói với Sixth Tone sau khi không tìm được manh mối gì trong vòng 10 phút.

lop hoc phan biet hang gia anh 1

Học viên phải trả khoảng 2.400 đôla để học cách phân biệt hàng giả, hàng thật ở Bắc Kinh.

Tháng 5/2018, Peng, chồng cô và 7 người khác đã tham gia một trong những khóa học đầu tiên dạy cách phân biệt hàng real và hàng fake tại Trung Quốc. Các học viên chấp nhận trả hàng nghìn USD với hy vọng kỹ năng mới sẽ giúp họ tự bảo vệ mình khỏi thị trường hàng nhái, hàng giả những thương hiệu xa xỉ đang nở rộ ở quốc gia tỷ dân.

Bùng nổ hàng giả

Theo các nhà nghiên cứu thị trường UIBE Luxury China, những nhà máy của Trung Quốc sản xuất ra lượng lớn hàng xa xỉ, phần lớn được dành cho thị trường nội địa trị giá khoảng 4 nghìn tỷ NDT (617,7 tỷ USD).

Thị trường đồ cũ cũng đang bùng nổ khi nhiều người không sẵn sàng chi hàng nghìn đôla cho một chiếc túi xách mới. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng nổi tiếng là nơi sản xuất hàng nhái. Những giao dịch buôn bán hàng giả quy mô đã khiến các khách hàng tìm kiếm đồ hiệu giá rẻ sập bẫy.

Sống tại trung tâm công nghệ phía nam của Thâm Quyến, Peng làm việc toàn thời gian trong ngành tài chính, nhưng vài năm qua, cô bắt đầu kinh doanh túi xách cũ trên Taobao và WeChat.

lop hoc phan biet hang gia anh 2

Hàng nhái được thiết kế tinh vi có thể đánh lừa nhiều người mua.

Ban đầu, Peng chỉ mua hàng từ người quen, bạn bè. Sau hai năm, khi việc kinh doanh phát triển hơn, cô bắt đầu nhập hàng từ người lạ. Đây cũng là lúc những lo ngại về hàng nhái, hàng giả xuất hiện.

"Nhiều lúc tôi nhận được những chiếc túi bị lỗi. Lo ngại về việc bị lừa buộc tôi phải tham gia khóa học 5 ngày do Trung tâm Thẩm định hàng xa xỉ, Hiệp hội Thương mại Điện tử Trung Quốc tổ chức".

Cuối cùng, cả cô và chồng đều nhận được chứng chỉ thẩm định hàng giả do chính phủ cấp. Cả hai hy vọng điều này sẽ giúp họ gia tăng uy tín với khách hàng.

Bên trong lớp học nghìn đô

Zhang Chen, nhà sáng lập Extraordinary Luxuries Business School ở Bắc Kinh đồng thời là giáo viên đứng lớp dạy cách loại bỏ hàng giả khi mua đồ second hand, cho biết nhiều người bị đánh lừa bởi “hàng nhái tốt với ít khác biệt” so với bản gốc.

Khóa học kéo dài 7 ngày của Zhang có giá 15.800 NDT (2.440 USD). Chuyên gia này nói rằng đó là cái giá xứng đáng vì khóa học đã tạo được chỗ đứng trong thị trường đồ cũ vừa bùng nổ.

Theo công ty tư vấn Forward Business Information, giá trị thị trường đồ xa xỉ đã qua sử dụng của Trung Quốc tăng gần gấp đôi vào năm ngoái lên 17,3 tỷ NDT.

"Người Trung Quốc mua 1/3 hàng hóa xa xỉ trên thế giới, nhưng tỷ lệ lưu thông 3% thấp hơn nhiều so với mức 25-30% ở các nước phương Tây", Zhang nói với AFP.

"Lớp lót của một chiếc túi xách Chanel màu đen phải là màu hồng", Zhang nói với các học viên của mình. Ông cũng hướng dẫn mọi người soi phần logo thương hiệu dưới ánh nắng mặt trời. "Các chữ cái sáng lên và đó là chính là điểm mấu chốt".

"Việc biết những chữ cái nào trong logo Chanel sử dụng phông chữ hình chữ nhật thay vì hình vuông có thể giúp phát hiện ra một phần ba số hàng giả trên thị trường", Zhang, người đã tự học kỹ năng thẩm định hàng xa xỉ cách đây 10 năm tại Nhật Bản, cho biết.

Những người tham gia khoa học của Zhang đa số đều giàu có, song có công việc rất khác nhau, bao gồm cả cựu biên tập viên thời trang, chủ doanh nghiệp, người kinh doanh túi xách, tín đồ hàng hiệu...

Bên cạnh học viên học trực tiếp, Zhang còn có các khách hàng online, những người thường xuyên chụp ảnh các mẫu đồng hồ, túi xách, quần áo cần thẩm định và gửi cho ông. Zhang nói rằng trong hầu hết trường hợp, mình chỉ mất khoảng 10 giây để biết sản phẩm có phải là thật hay không.

Việc xác định hàng thật/giả ngày càng được các thương hiệu xa xỉ công nghệ hóa. Louis Vuitton cho biết sẽ khởi chạy một nền tảng có tên là Aura để loại bỏ sản phẩm fake.

Các vi mạch đã được lắp vào đế giày nữ của thương hiệu Ý Salvatore Ferragamo, trong khi Burberry cũng đã thử nghiệm công nghệ nhận dạng tần số vô tuyến trong hàng hóa của mình.

Tuy nhiên với công nghệ vẫn còn sơ khai, Zhang không cho rằng công việc của mình sẽ bị ảnh hưởng. "Bất kỳ công nghệ nào cũng có lỗ hổng. Thị trường nhận biết các sản phẩm xa xỉ sẽ luôn tồn tại, chỉ là các phương pháp phải thay đổi để thích ứng".

Bạn đang đọc bài viết Giới nhà giàu Trung Quốc chi tiền học cách nhận biết hàng fake tại chuyên mục Tiêu điểm của LandViet. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư info@batdongsantaichinh.com